- Học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 sinh năm bao nhiêu, bao nhiêu tuổi 2024?
- Khi nào trẻ em có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi cao hơn so với quy định?
- Nhiệm vụ của học sinh tiểu học là gì?
Học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 sinh năm bao nhiêu, bao nhiêu tuổi 2024?
Tại khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 có quy định về độ tuổi học sinhlớp 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 như sau:
Cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông
1. Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau:
a) Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;
b) Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;
c) Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.
Như vậy, học sinh lớp 1 là 06 tuổi, lớp 6 là 11 tuổi và lớp 10 là 15 tuổi.
Do đó năm 2024, các học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 có độ tuổi như sau:
Lớp | Năm sinh | Tuổi năm 2024 |
Lớp 1 | Năm 2018 | 6 tuổi |
Lớp 2 | Năm 2017 | 7 tuổi |
Lớp 3 | Năm 2016 | 8 tuổi |
Lớp 4 | Năm 2015 | 9 tuổi |
Lớp 5 | Năm 2014 | 10 tuổi |
Lớp 6 | Năm 2013 | 11 tuổi |
Lớp 7 | Năm 2012 | 12 tuổi |
Lớp 8 | Năm 2011 | 13 tuổi |
Lớp 9 | Năm 2010 | 14 tuổi |
Lớp 10 | Năm 2009 | 15 tuổi |
Lớp 11 | Năm 2008 | 16 tuổi |
Lớp 12 | Năm 2007 | 17 tuổi |
Khi nào trẻ em có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi cao hơn so với quy định?
Tại Điều 33 Điều lệ Trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về tuổi của học sinh tiểu học như sau:
Tuổi của học sinh tiểu học
1. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm. Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.
2. Học sinh tiểu học học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trẻ em có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi cao hơn so với quy định khi thuộc trường hợp sau:
- Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ;
- Trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Trẻ em người dân tộc thiểu số;
- Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa;
- Trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam.
Lưu ý: Trẻ em có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 sinh năm bao nhiêu, bao nhiêu tuổi 2024? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ của học sinh tiểu học là gì?
Tại Điều 34 Điều lệ Trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ của học sinh tiểu học như sau:
- Học tập, rèn luyện theo kế hoạch giáo dục, nội quy của nhà trường; có ý thức tự giác học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
- Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè, em nhỏ, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.
- Chấp hành nội quy, bảo vệ tài sản nhà trường và nơi công cộng; chấp hành trật tự an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
- Góp phần vào các hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, địa phương.
Trân trọng!